Thế nào là Hiệu Quả

Sự cân bằng P/PC

Không có ví dụ nào rõ ràng hơn về tính hiệu quả bằng câu chuyện ngụ ngôn về “Con ngỗng đẻ trứng vàng” như sau:

Chuyện kể về một người nông dân nghèo. Một ngày nọ ông tìm thấy một quả trứng vàng lấp lánh trong ổ của con ngỗng. Thoạt đầu ông nghĩ rằng có trò chơi khăm nào đó và định ném quả trứng đi. Thế nhưng, ông nghĩ lại và quyết định mang quả trứng đi kiểm định.

Quả trứng bằng vàng ròng! Người đàn ông không ngờ đến vận may như thế lại đến với mình. Ông không biết điều đó có lặp lại vào ngày mai hay không. Ngày qua ngày, ông thao thức chờ trời sáng để lao đến ổ ngỗng tìm quả trứng vàng. Ông trở nên vô cùng giàu có, mọi việc tốt đẹp đến nỗi nhiều khi ông không thể tin nổi đó lại là sự thật.

Càng giàu có, ông càng tham lam và thiếu kiên nhẫn. Ông không còn khả năng chờ đến ngày hôm sau để lấy quả trứng vàng nữa và bèn quyết định giết chết con ngỗng để lấy hết tất cả trứng vàng trong bụng nó ra. Thế nhưng, khi ông mổ bugj con ngỗng ra, ông hoàn toàn không tìm được quả trứng vàng nào trong đó. Người nông dân đã giết chết con ngỗng đẻ trứng vàng và không bao giờ nhận được thêm quả trứng vàng nào nữa.

Câu chuyện đã thể hiện: tính hiệu quả nằm ở hai yếu tố: sản phẩm (quả trứng) và khả năng sản xuất (con ngỗng).

Nếu chúng ta có xu hướng chú trọng vào quả trứng vàng mà bỏ qua con ngỗng, rồi sẽ đến lúc chúng ta đánh mất khả năng sản xuất ra quả trứng vàng. Trái lại, nếu chỉ quan tâm đến con ngỗng mà không chú ý đến quả trứng vàng, chúng ta sẽ không đủ nguồn lực để nuôi sống con ngỗng hay thậm chí chính bản thân mình.

Tính hiệu quả nằm ở sự cân bằng mà chúng ta có thể gọi là sự cân bằng P/PC. P là sản phẩm (Production), là những kết quả mong đợi, những quả trứng vàng. Còn PC là khả năng sản xuất (Production Capability), là năng lực hay tài sản mà tạo ra những quả trứng vàng.

P/PC của tài sản vật chất

Bạn châm lửa ở cả hai đầu cây nến để nến sáng hơn, nến theo đó cháy nhanh hơn và bạn nhanh chóng chìm vào bóng tối.

Bạn mua một chiếc xe mới, bạn háo hức cùng chiếc xe của mình đi khắp nơi, đến khắp các vùng miền, trải nghiệm tối đa tất cả những gì mà phạm vi kỹ thuật của chiếc xe có thể mang lại. Nhưng để trang trải được chi phí cho việc trải nghiệm chiếc xe, bạn cắt giảm các bảo trì và bảo dưỡng cần thiết. Một thời gian ngắn sau bạn không còn trải nghiệm được những điều tuyệt vời trên chiếc xe của mình nữa.

Bạn sử dụng tiền vốn thay vì tiền lãi, để nâng cao tiêu chuẩn sống. Tiền vốn giảm đi làm giảm khả năng sinh lãi hay thu nhập của bạn. Tình huống có thể tệ dần đi đến mức bạn không đủ khả năng chi trả cho những nhu cầu cơ bản nhất.

Bạn dùng toàn bộ các khả năng có thể để khai thác khả năng tạo ra của cải vật chất của mình. Nếu bạn không đầu tư vào việc tăng PC của bản thân, bạn sẽ tự trói chặt mình, bám dính vào hoàn cảnh hiện tại, sợ hãi tương lai, lệ thuộc về mặt tài chính và ngày càng thu mình lại. Không hiệu quả một chút nào.

Một cặp vợ chồng chỉ quan tâm đến những lợi ích đến từ cuộc hôn nhân, thay vì bồi dưỡng mối quan hệ hôn nhân tốt đẹp, sẽ ngày càng lãnh cảm và thiếu cân nhắc, không bận tâm đến những cử chỉ tử tế, lịch thiệp mà dù là nhỏ nhưng rất quan trọng để xây dựng nên một mối quan hệ sâu sắc. Họ thường tìm mọi cách để kiểm soát thao túng đối phương, chỉ quan tâm đến nhu cầu của bản thân, bào chữa cho hoàn cảnh, soi mói sai sót của vợ/chồng mình. Tình yêu, cảm giác mãn nguyện, thái độ nhẹ nhàng và tự nhiên dần tan biến. Ngày qua ngày, con ngỗng dần suy kiệt.

Làm cha mẹ, chúng ta có thể có xu hướng lợi dụng vị thế của mình để thao túng đứa trẻ, để đạt được điều mình muốn ngay lập tức. Hoặc có thể ngược lại chúng ta nuông chiều, làm hài lòng đứa trẻ hết mực để được đứa trẻ yêu mến. Dù là cách nào đi chăng nữa, chúng ta cũng đều chọn lối tư duy hướng về quả trứng vàng. Và bỏ qua việc trang bị cho đứa trẻ những bài học quan trọng như ý thức trách nhiệm, kỷ luật, sự tự tin vào khả năng và cơ hội ra quyết định. Liệu chúng ta có thể có được mục tiêu chính yếu, về cả sự trưởng thành của đứa trẻ, lẫn tình yêu thương cha mẹ của con cái, bằng lối tư duy như thế không?

Bạn muốn con gái mình có một căn phòng gọn gàng sạch sẽ. Bạn có thể sẽ cằn nhằn, dọa nạt, bắt đứa trẻ phải thực hiện điều bạn muốn. Có thể bạn sẽ đe dọa hay dùng vũ lực nữa. bạn đạt được quả trứng nhưng bạn làm hủy hoại sức khỏe và sự an vui của con ngỗng.

Để đạt được những kết quả hay lợi ích ngắn hạn chúng ta thường hủy hoại những tài sản vật chất quý giá của mình hay thậm chí là môi trường xung quanh. Cân bằng P/PC sẽ mang lại hiệu quả tỏ lớn trong việc sử dụng những tài sản vật chất.

P/PC của tổ chức

Một một nhóm, một gia đình, hay một tổ chức cũng có những tài sản quý giá của nó. Nếu chúng ta không tôn trọng sự cân bằng P/PC, chúng ta sẽ làm giảm hiệu quả của tổ chức và để lại một con ngỗng yếu ớt. Điều này đặc biệt quan trọng với các loại tài sản con người của tổ chức. Chẳng hạn như khách hàng và nhân viên.

Chúng ta cắt giảm quyền lợi và đánh mất niềm tin của khách hàng, chúng ta không có khách hàng nữa. Không còn con ngỗng đẻ trứng vàng nữa.

Hoặc chúng ta chỉ luôn đầu tư vào khách hàng mà hoàn toàn không quan tâm đến những người làm việc với khách hàng, chính là nhân viên.

Luôn đói xử với nhân viên theo cách mà bạn muốn họ đối xử với khách hàng quan trọng nhất của bạn.

Khả năng sản xuất của nhân viên đâu chỉ nằm trong kỹ năng của họ đâu. Chỉ có xem trọng nhân viên như khách hàng, chúng ta mới được đứng bên cạnh những nhân viên tình nguyện cống hiến những gì tốt nhất mà họ có. Đó là trái tim, nơi chứa đựng sự nhiệt tình và lòng trung thành. Đó là tâm trí, nơi chứa đựng sức sáng tao, sự khéo léo và tài xoay xở.

Quá chú trọng vào quả trứng, vào sự khai thác, người quản lý sẽ không chạm được vào nguồn năng lượng vô hạn của trái tim và tâm trí nhân viên. Lợi nhuận trước mắt tất nhiên là quan trọng, nhưng không phải là tất cả.

P/PC ở phổ quát

Tính hiệu quả nằm ở sự cân bằng. Chú trọng thái quá vào P sẽ hủy hoại sức khỏe, xói mòn máy móc, xóa sổ các tài khoản ngân hàng, và phá vỡ các mối quan hệ. Nhưng quá chú trọng vào PC cũng giống như chăm chỉ chạy bộ mỗi ngày để sống lâu thêm mà không biết thêm để làm gì. Giống như ngày ngày vác cặp đi học mà chưa từng làm được điều gì, chỉ sống nhờ vào quả trứng vàng của người khác, một dạng thợ học cả đời.

Duy trì sự cân bằng P/PC không phải là điều dễ dàng, nhưng đáng. Bạn sẽ hạnh phúc mãi với chiếc xe của mình. Con gái bạn có sự tự giác, tính cam kết và sự tích cực, căn phòng của con bé gọn gàng sạch sẽ, và bạn vẫn có được mối quan hệ cha con tốt đẹp. Bạn vừa có học vị cao vừa có được học vấn cao. Bạn rèn luyện được khả năng ngủ ngon, và có cả niềm vui thức dậy lẫn nguồn năng lượng dồi dào để có một ngày làm việc hiệu quả.

Mối quan hệ P/PC hiện hữu trong bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống. Chúng ta có thể tin, không tin; đồng tình, không đồng tình; tuân theo, hoặc kháng cự; nhưng nguyên lý này vẫn luôn hiện hữu. Nó là ngọn hải đăng, là mô thức về tính hiệu quả.


Sách tham khảo:

Loading

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *