Bảng phân loại của Bloom là một tập hợp của ba mô hình được sử dụng để phân lớp các mục tiêu học tập thành các mức độ khác nhau theo đặc trưng cũng như độ phức tạp. Ba danh sách này bao trùm các mục tiêu học tập của các miền Nhận thức (cognitive), Xúc cảm (affective) và Giác cảm (sensory). Trong đó bảng phân loại của miền Nhận thức đã là trọng tâm của giáo dục truyền thống trong thời gian dài, và thường xuyên được sử dụng để cấu trúc các mục tiêu cũng học tập như các đánh giá và các hoạt động học tập.
Các mô hình được lấy theo tên tác giả của nó là Benjamin Bloom. Ông cũng là người biên tập tập đầu tiên của bản tiêu chuẩn – Taxonomy of Educational Objectives: The Classification of Educational Goals. Gọi là bản tiêu chuẩn là bởi vì theo thời gian, bảng phân loại Bloom có được sửa đổi và được gọi là bản tu chính.
Lịch sử
Mặc dù lấy tên theo Bloom, các tập Taxonomy of Educational Objectives được xuất bản theo sau một chuỗi các hội nghị diễn ra từ năm 1949 đến 1953 được thiết kế để cải thiện tiếng nói chung giữa các nhà giáo dục trong hoạt động thiết kế chương trình giảng dạy và thi cử.
Cuốn đầu tiên, Handbook I: Cognitive (Nhận thức) được xuất bản năm 1956, và đến năm 1964 là cuốn thứ hai Handbook II: Affective (Xúc cảm). Một bản tu chính cho miền nhận thức đã được tạo ra vào năm 2001.
Miền Nhận thức (cognitive domain)
Nền tảng của miền nhận thức là kiến thức. Trong bản gốc, miền Nhận thức được phân tách thành sáu mức độ, tên và thứ tự của các mức độ đã sửa đổi một chút trong bản tu chính vào năm 2001: Remember (Nhớ), Understand (Hiểu), Apply (Áp dụng), Analyze (Phân tích), Evaluate (Đánh giá), và Create (Sáng tạo) (thay vì Tổng hợp). Trong khi đó tên và thứ tự trong bản gốc là là Knowledge (Kiến thức), Comprehension (Lĩnh hội), Application (Ứng dụng), Analysis (Phân tích), Evaluation (Đánh giá), và Synthesis (Tổng hợp).
Kiến thức (knowledge)
Mức độ kiến thức liên quan đến sự nhận biết hay ghi nhớ được các hiện tượng, thuật ngữ, khái niệm căn bản, hay các trả lời mà không nhất thiết phải có sự thấu đáo về ý nghĩa của chúng. Các loại kiến thức đặc trưng có thể kể đến được bao gồm:
- Kiến thức về chi tiết cụ thể — các thuật ngữ, các sự kiện cụ thể
- Kiến thức về cách thức và ý nghĩa của việc giải quyết một chi tiết cụ thể — các quy ước, xu hướng, các danh sách, phân lớp, các nhóm, các dấu hiệu nhận diện, các phương pháp
- Kiến thức phổ quá và trừu tượng trong một lĩnh vực — các nguyên tắc, các khái quát, các lý thuyết và cấu trúc
Ví dụ: tên của ba giống cam phổ biến.
Lĩnh hội (comprehension)
Mức độ lĩnh hội liên quan đến sự giải thích và hiểu rõ về các hiện tượng và ý tưởng bằng cách tổ chức, so sánh, diễn dịch, đưa ra mô tả và nêu ý tưởng chính.
Ví dụ: So sánh điểm đặc trưng của giống cam Sành và cam Xã Đoài.
Ứng dụng (application)
Mức độ ứng ụng liên quan đến việc sử dụng kiến thức thu được — giải quyết các vấn đề trong ngữ cảnh mới bằng sự áp dụng các kiến thức, hiện tượng, kỹ thuật và nguyên tắc đã có được. Người học có khả năng sử dụng kiến thức có trước đó để giải quyết các vấn đề, nhận diện các kết nối và mối liên hệ cũng như chúng có thể áp dụng vào ngữ cảnh mới như thế nào.
Ví dụ: Liệu cam có thể chống được bệnh còi xương do thiếu vitamin C?
Phân tích (analysis)
Mức độ phân tích liên quan tới việc khám phá và chia nhỏ thông tin thành những cấu phần nhỏ hơn, xác định cách các thành phần liên quan tới nhau, định vị được các động cơ và nhân quả, đưa ra suy luận và tìm những bằng chứng hỗ trợ cho việc khái quát hóa. Các loại hình phân tích có thể kể đến:
- Phân tích phần tử
- Phân tích mối quan hệ
- Phân tích sự tổ chức
Ví dụ: Liệt kê bốn cách để phục vụ món làm từ cam và giải thích cách nào mang lại lợi ích sức khỏe cao nhất. Cung cấp các tài liệu tham chiếu để chứng minh tuyên bố.
Đánh giá (evaluation)
Mức độ đánh giá liên quan đến trình bày và bảo vệ quan điểm bằng cách đưa ra các phán xét về thông tin, sự hợp lẽ của ý tưởng, chất lượng của công việc dựa theo một bộ tiêu chí. Các loại hình đánh giá có thể kể đến:
- Phán xét bằng chứng nội tại
- Phán xét dấu hiệu bên ngoài
Ví dụ: Giống cam nào tốt nhất để làm mứt, và tại sao.
Tổng hợp (synthesis)
Mức độ tổng hợp liên quan tới sự xây dựng một cấu trúc hay mẫu hình từ đa dạng các phần tử; nó cũng đề câp đến hành động ghép các bộ phận lại với nhau để hình thành một tổng thể. Các loại hình tổng hợp có thể kể đến:
- Sản xuất một mẫu giao tiếp độc nhất
- Sản xuất một kế hoạch, hoặc đề xuất một tập các hành động
- Tìm ra khởi thủy của một tập các mối quan hệ trừu tượng
Ví dụ: Chuyển đổi một công thức làm món Cam không được tốt về mặt sức khỏe thành một món tốt cho sức khỏe bằng cách thay đổi nguyên liệu. Giải thích lợi ích sức khỏe của công thức mới so với công thức ban đầu.
Miền Xúc cảm (affective domain)
Nền tảng của miền xúc cảm là biểu cảm. Các kỹ năng trong miền Xúc cảm mô tả cách mà con người phản ứng về mặt cảm xúc và khả năng của họ trong việc cảm nhận nỗi đau và niềm vui của những sinh vật khác. Các mục tiêu học tập trong miền xúc cảm thường nhắm tới việc nhận thức được và phát triển thái độ (attitudes), biểu cảm (emotion) và cảm nhận (feeling).
Có năm cấp độ từ thấp đến cao trong miền Xúc cảm.
Nhận biết (receiving)
Mức độ thấp nhất; người học hướng sự chú ý một cách thụ động. Không có mức độ này thì không có sự học. Nhận biết là mức độ của sự ghi nhớ và nhận diện của người học.
Phản ứng (responding)
Người học tham gia tích cực vào quá trình học tập, không chỉ chú ý vào những gì gây kích thích mà còn chủ động phản ứng theo một cách nào đó.
Nhận định giá trị (valuing)
Người học gắn một giá trị vào một vật thể, một hiện tượng hay một mảnh thông tin. Họ cũng liên kết một hay một vài giá trị với kiến thức mà họ thu nhận được.
Tổ chức (organizing)
Người học có thể tập hợp các giá trị, thông tin, ý tưởng khác nhau lại với nhau và có thể làm cho chúng trở nên phù hợp với nhau trong sơ đồ của riêng mình; họ so sánh, liên hệ và chi tiết hóa những gì họ học được.
Đặc trưng hóa (characterizing)
Người học ở mức độ này cố gắng xây dựng kiến thức trừu tượng.
Miền Tâm lý vận động (psychomotor domain)
Nền tảng của miền tâm lý vận động là sự hoạt động. Các kỹ năng trong miền Tâm lý vận động mô tả khả năng thao túng vật lý một công cụ hay dụng cụ như bàn tay hay một cây búa. Các mục tiêu của Tâm lý vận động thường tập trung vào thay đổi và/hoặc phát triển hành vi và/hoặc kỹ năng.
Bloom và các đồng sự chưa bao giờ phân lớp các kỹ năng trong miền Tâm lý vận động, nhưng rồi các nhà giáo dục khác đã tạo ra các thang phân loại của riêng họ. Simpson (1972) đã đề xuất các mức độ sau:
Tri giác (perception)
Khả năng sử dụng tín hiệu cảm giác để hướng dẫn hoạt động vận động, kéo dài từ cảm giác được kích thích, tới lựa chọn, tới thông dịch.
Ví dụ: Phát hiện các tín hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ. Ước lượng được vị trí rơi của quả bóng sau khi nó được ném và di chuyển đến vị trí hợp lý để đón bóng. Điều chỉnh chính xác nhiệt lượng của bếp lò để món ăn có mùi vị và hương vị chuẩn. Điều chỉnh góc độ và lực đánh của gậy bi-da dựa theo vị trí của các bi.
Thiết lập (set)
Sẵn sàng hành động: cả về tinh thần (mental), thể chất (physical) lẫn cảm xúc (emotional). Ba nhóm này là những tiền đề định ra phản ứng của một người trước những điều kiện khác nhau (và đôi khi được gọi là tư duy – mindset). Mục Thiết lập liên quan mật thiết với nhóm Phản ứng của miền Xúc cảm.
Ví dụ: Biết và hành động theo trình tự các bước trong chu trình sản xuất. Nhận biết khả năng và hạn chế của một người. Thể hiện mong muốn tìm kiếm một chu trình mới.
Phản hồi có hướng dẫn (guided response)
Các giai đoạn đầu của việc học một kỹ năng phức tạp có sự bắt chước và thử và sai: sự thể hiện hoàn thiện được đạt tới thông qua thực hành.
Ví dụ: Thực hiện một phương trình toán học đã được chứng minh. Làm theo hướng dẫn để xây dựng một mô hình. Phản hồi tính hiệu tay của người hướng dẫn trong khi học sử dụng nhạc cụ.
Cơ chế (mechanism)
Một giai đoạn trung gian khi học một kỹ năng phức tạp: các phản ứng học được trở nên quen thuộc và các động tác có thể được thực hiện với một chút tự tin và thành thạo.
Ví dụ: Sử dụng máy tính cá nhân. Sửa chữa vòi nước. Lái xe.
Phản ứng phức tạp lộ rõ (complex overt response)
Khả năng thể hiện đầy kỹ thuật các động tác yêu cầu nhiều thao tác phức tạp: sự thành thạo được biểu thị bởi việc thực hiện nhanh chóng, chính xác và có tính phối hợp cao, yêu cầu năng lượng tối thiểu. Mục này bao gồm cả thể hiện một cách không do dự và thể hiện một cách tự động. Ví dụ, người chơi thường thốt ra một âm thanh hài lòng hoặc thích thú khi họ đánh một quả tenis hay sút một quả bóng đá bởi vì họ có thể biết được bằng cảm giác của động tác kết quả mà họ tạo ra.
Ví dụ: Điều khiển ô tô vào chỗ hẹp. Vận hành máy tính nhanh và chính xác. Thể hiện năng lực khi chơi piano.
Sự thích nghi (adaptation)
Các kỹ năng được phát triển tốt và cá nhân có thể sửa đổi động tác cho thích hợp hơn với những yêu cầu đặc biệt.
Ví dụ: Phản ứng hiệu quả với những trải nghiệm bất ngờ. Sửa đổi hướng dẫn để đáp ứng nhu cầu của người học. Thực hiện một nhiệm vụ mới một cỗ máy vốn không được thiết kế cho mục đích đó.
Phát minh (origination)
Sáng tạo ra một mẫu động tác mới thích hợp với một tình huống hay một vấn đề cụ thể: kết quả học tập nhấn mạnh tính sáng tạo dựa trên các kỹ năng cao cấp.
Ví dụ: Xây dựng một tập hay một mẫu động tác mới được tổ chức xoay quanh một khái niệm hay một lý thuyết. Xây dựng một chương trình đào tạo mới và toàn diện. Sáng tạo một thói quen tập thể dục mới.
Những phê bình
Whuw Morshead (1965) đã chỉ ra khi xuất bản tập thứ hai, rằng sự phân lớp của Bloom không được xây dựng cẩn trọng, nó thiếu cơ sở lý luận có hệ thống trong việc xây dựng.
Điều này sau đó đã được thừa nhận trong mục thảo luận về bản gốc trong tu chính năm 2001, và bảng phân loại đã được tái lập dựa trên một trường phái lý luận tốt hơn.
Một số phê bình về bảng phân loại của miền Nhận thức thừa nhận sự tồn tại của sáu mức độ, nhưng nghi ngờ về sự tồn tại của hệ thống thứ bậc. Thông thường, các nhà giáo dục coi bảng phân loại như một hệ thống thứ bậc và có thể bỏ qua một cách nhầm lẫn những mức độ thấp nhất, cứ như thể chúng không đáng để dạy. Việc học ở những mức độ thấp hơn cho phép xây dựng những kỹ năng ở mức độ cao hơn, và trong một số lĩnh vực (chẳng hạn xác định các loại động thực vật trong tự nhiên), các kỹ năng quan trọng nhất lại nằm ở những mức độ thấp nhất. Dàn Khung (Instructional Scaffolding) dành cho việc giảng dạy những kỹ năng mức độ cao từ những kỹ năng cấp độ thấp là một ứng dụng của thuyết kiến tạo Vygotskian.
Một số ý kiến cho rằng ba mức độ thấp nhất là có phân cấp, nhưng ba mức độ cao hơn là song song. Số khác phát biểu rằng nên đặt mức độ Ứng dụng trước khi giới thiệu khái niệm về bảng phân loại, với ý tưởng là tạo ra một môi trường học tập trong đó bối cảnh thế giới thực có trước và lý thuyết theo sau, để thúc đẩy sự nắm bắt của học viên về hiện tượng, khái niệm và sự kiện. Suy nghĩ này dường như liên quan đến phương pháp học tập dựa trên vấn đề.
Hơn thế nữa, sự phân biệt giữa các mức độ là giả tạo bởi vì bất kỳ một tác vụ cho trước nhận thức nào cũng đòi hỏi nhiều tiến trình. Một số lập luận còn đi xa hơn, cho rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm phân loại các tiến trình nhận thức thành các phân lớp một cách rạch ròi cũng sẽ đều làm suy yếu bản chất tổng thể, liên kết cao và liên quan lẫn nhau của sự nhận thức. Lời phê bình này có thể nhắm thẳng vào những phép phân loại các tiến trình tâm thần nói chung.
Ý nghĩa (implications)
Bảng phân loại của Bloom đóng vai trò làm xương sống cho nhiều triết lý giảng dạy, đặc biệt là những triết lý nghiêng về kỹ năng hơn là nội dung. Những nhà giáo dục đó coi nội dung như một phương tiện để dạy các kỹ năng. Sự nhấn mạnh vào các kỹ năng tư duy cấp cao trong các triết lý giảng dạy đó dựa trên các mức độ bậc cao của bảng phân loại, như Ứng dụng, Phân tích, Tổng hợp và Đánh giá. Bảng phân loại Bloom cũng có thể được sử dụng như một công cụ giảng dạy để giúp cân bằng việc đánh giá dựa trên bài kiểm tra, bài tập, bài luận, và tham gia trong lớp học, để đảm bảo rằng người học thực hiện tất cả các trình tự tư duy, bao gồm cả các khía cạnh của tìm kiếm thông tin.
Nguồn tham khảo