Mô hình Dreyfus về tiếp nhận kỹ năng

Mô hình Dreyfus về tiếp nhận kỹ năng là một mô hình giải thích cách mà người học đạt được kỹ năng của mình thông qua học hỏi và luyện tập. Mô hình này hướng nhiều đến thực nghiệm – thông qua quan sát để rút ra những mẫu hình bổ ích. Mặc dù   Mặc dù không mang tính chất học thuật, hàn lâm nhưng mô hình Dreyfus vẫn được sử dụng rộng rãi trong khối nghành giáo dục bởi sự dễ dàng áp dụng của nó.

Theo mô hình Dreyfus, người học trải qua năm giai đoạn trưởng về mặt kỹ năng bao gồm: Mới bắt đầu (novice), Nhập môn (advanced beginner), Có năng lực (Competent), Thành thạo (Proficient), Tinh thông (Expert). Mức thấp nhất thường thấy ở người bắt đầu từ con số không, trước khi học; mức cuối cùng có thể thấy ở những chuyên gia – những người đạt đến trình độ thuần thục về kĩ năng tới mức trực giác. Khi người học càng trở nên thành thạo, họ càng ít phụ thuộc vào các nguyên tắc trừu tượng mà thay vào đó phụ thuộc nhiều hơn vào các trải nghiệm cụ thể. Những thay đổi tiến bộ trong cách người học nhìn nhận môi trường nhiệm vụ của họ được thể hiện theo bảng  dưới đây. Và bất kỳ mô hình đào tạo nào cũng nên dựa theo một (bảng) như thế, để có thể giải quyết các vấn đề của người học ở mỗi giai đoạn khác nhau một cách thích hợp.

Diễn giải bảng trên, ở dòng 1 người học sẽ có khả năng gợi nhớ theo tình huống khi họ đạt được trải nghiệm cụ thể đầu tiên. Điều này chỉ xảy ra khi người học có khả năng nhận biết (recognition) tình huống đó. Tại dòng 2, người học có khả năng nhận biết tổng thể một khi họ đã có khả năng gợi nhớ một tập lớn các tình huống, điều này chỉ xảy ra khi họ có khả năng nhận biết phân rã từng tình huống khác nhau. Tại dòng 3, người học có khả năng tinh chỉnh sự ra quyết định theo tình huống một cách trực giác mà không cần đến các tính toán có ý thức. Tại dòng 4, tâm thức phân tích mất đi vai trò của nó trong việc theo dõi quan sát, để người học có thể nhập tâm vào việc thực hành kỹ năng.

Ý nghĩa đào tạo của mô hình này rất rõ ràng. Người thiết kế huấn luyện (dù ở bất kỳ cấp độ nào) phải luôn nhận thức được giai đoạn phát triển của người học để tạo điều kiện thuận lợi đưa người học tới giai đoạn tiếp theo, thay vì sử dụng vô tội vạ các phương pháp và công cụ bất hợp lý có thể dẫn đến việc huấn luyện bị kém hiệu quả, thậm chí đưa người học đi lùi.

Dưới đây là mô tả chi tiết về 5 mức độ tinh thông kỹ năng theo mô hình trên.

Người mới bắt đầu (Novice)

Người học ở mức mới bắt đầu là người mới bắt đầu học kỹ năng, họ chưa có hoặc có rất ít trải nghiệm về kỹ năng đó. Trải nghiệm ở đây ám chỉ việc người đó tự tay làm hoặc tự thân suy nghĩ (trong các kỹ năng tư duy). Nhiều người dù có nhiều năm kinh nghiệm trong một vị trí nào đó nhưng không tiếp nhận được bất kỳ kỹ năng hay kiến thức nào thì vẫn có thể ở mức mới bắt đầu về kỹ năng.

Khi thực hành, người học gần như phụ thuộc hoàn toàn vào bản hướng dẫn. Họ chưa có hiểu biết và không nhìn ra được bức tranh về kỹ năng, vậy nên họ cần được hướng dẫn thật rõ ràng chi tiết để có thể hoàn thành các nhiệm vụ.

Để đạt đến cấp độ novice, điều quan trọng với người học là thu thập được đầy đủ và chính xác các hướng dẫn cần thiết, mà người học có thể làm theo được không cần kinh nghiệm. Kèm theo đó là các quy tắc thực hành ở mỗi hướng dẫn. Để thành thạo hơn, người mới tập cần tự quan sát cũng như thông qua phản hồi có hướng dẫn để khiến cho hành vi của mình ngày càng phù hợp với các quy tắc.

Nhập môn

Người mới bắt đầu trở thành người có kỹ năng nhập môn khi họ bắt đầu khắc phục được những sự cố của mình và bắt đầu có khả năng tự làm việc. Họ vẫn chủ yếu sử dụng hướng dẫn, nhưng họ có nhận thức về ngữ cảnh khác nhau khi làm theo hướng dẫn. Bạn có thể nhận ra một số điểm khác biệt ở một vài tình huống cụ thể và áp dụng thông tin đó để làm theo hướng dẫn theo một cách khác đi để giải quyết vấn đề.

Họ chưa hoàn toàn nhìn ra được bức tranh tổng thể của kỹ năng, nhưng họ đã bắt đầu phân biệt được từng thành phần trong đó. Khi gặp sai sót hay sự cố, họ không quá rối trí, không đổ lỗi cho bản hướng dẫn mà thay vào đó biết tìm kiếm một công thức khác và đôi khi có thể tự xử lý được.

Điểm đặc trưng của người nhập môn là sự bớt dựa dẫm vào hướng dẫn. Một dấu hiệu khác là họ có khả năng sử dụng tiếng lóng trong khi thực hành, chẳng hạn thay vì đọc hướng dẫn từng chữ một khi viết câu lệnh IF thì họ chỉ cần được hướng dẫn là “nếu số dư của A chia cho B bằng 0 thì…”. Theo đó, người huấn luyện viên cần cung cấp các cơ hội để người học có thể thực hành cùng một tình huống nhưng không có hoặc có ít hướng dẫn hơn, hay hướng dẫn ở mức trừu tượng hơn.

Một thách thức quan trọng cho giai đoạn này của người học nằm ở khi họ bắt đầu hiểu ra những ngữ cảnh khác nhau để ra quyết định, nhưng lại chưa thể phân biệt được thông tin nào mình vừa nhận ra là có ý nghĩa, không biết lọc bỏ bớt thông tin. Họ có thể sẽ rối trí trước một lượng quá nhiều thứ phải để ý đến (để phân loại), và hoang mang theo lối “nhiều thế này thì không biết bao giờ mới giỏi hết được”. Khi đó người huấn luyện viên phải có vai trò hỗ trợ trong việc chỉ ra cho người học chỗ nào là những thông tin quan trọng trước mắt.

Có năng lực

Theo thời gian, người học ngày càng có khả năng nhận biết tình huống tốt hơn, và bắt đầu xây dựng bộ quy tắc cho mình để trả lời cho câu hỏi “tình huống nào thì sử dụng đến công thức (hướng dẫn) nào”. Họ nhận ra được trong mỗi tình huống, hành dụng nào là phù hợp và hành dụng nào thì không. Họ nhận ra lúc nào thì cần phải sử dụng cấu trúc rẽ nhánh, và nếu điều kiện rẽ nhánh là phép so sánh bằng thì họ sẽ cân nhắc sử dụng câu lệnh SWITCH. Sự phát triển bộ quy tắc như vậy chính là đặc điểm của người học ở cấp độ có năng lực.

Một đặc điểm chính yếu khác nữa của người có năng lực là họ bắt đầu nhận thức được ảnh hưởng của sự lựa chọn của mình tới kết quả. Trong khi người mới bắt đầu và nhập môn không có sự liên hệ trực tiếp tới kết quả (làm theo hướng dẫn), người có năng lực sẽ vui khi sự lựa chọn của mình tạo ra kết quả tốt, và hối hận khi ngược lại. Họ đổ lỗi cho chính lựa chọn của mình thay vì các yếu tố ngoại cảnh.

Đây là một giai đoạn thách thức đối với người học. Họ có quá nhiều dữ liệu để cân nhắc nhưng không biết phải tập trung vào khía cạnh nào. Trong tình huống như thế, những nhiệm vụ luyện tập của họ cần phải mang tính tập trung, có chủ ý để họ nhận thức được những quy tắc quan trọng một cách tự nhiên.

Họ cũng có khả năng mất động lực nếu (lựa chọn và) làm sai quá nhiều. Trong trường hợp đó huấn luyện viên cần chỉ ra cho họ thấy rằng những ca quyết định sai không phải là thất bại mà là dữ liệu, là những công cụ để đưa họ tới mức thành thạo cao hơn.

Thành thạo

Xúc cảm của người học ở mức có năng lực dần dần củng cố những quyết định đúng và ngăn cản những  quyết định sai, điều đó dẫn đến người học dần phát triển trực giác của mình về các quy tắc để áp dụng vào các tình huống.

Đặc điểm chính của người học ở mức độ thành thạo là cảm giác trực quan về mục tiêu. Trong khi người có năng lực phải thực hiện tìm kiếm hay tạo ra mục tiêu trong một tình huống cụ thể, người học ở cấp độ thành thạo có cảm giác trực quan về mục tiêu phải là gì nhưng không nhất thiết phải biết rõ ràng quá trình thực hiện. Chẳng hạn, họ có thể quyết định bằng trực giác một bộ dấu hiệu nhận diện hàm (bao gồm tên, bộ tham số, kiểu trả về) một cách hiệu quả mà không cần phải làm các bước cân nhắc suy xét và lựa chọn.

Trong khi người có năng lực sẽ thực hiện việc lựa chọn các tiêu chí, các dữ liệu, các quy tắc cần tập trung vào (để ra quyết định), người thành thạo biết cần phải tập trung vào thứ gì từ trước. Bên cạnh đó, trong khi người có năng lực sẽ tập trung vào việc tạo ra kết quả, người thành thạo tập trung vào mục tiêu, hay nói cách khác là tập trung vào việc tạo ra những kết quả có ý nghĩa, có khả năng sử dụng.

Bởi vậy, người học ở mức thành thạo sẽ đầu tư nhiều nỗ lực hơn vào việc ra quyết định về mục tiêu thực hành (trong khi vẫn giữ khả năng tạo lập được kết quả). Để có được khả năng ra quyết định như thế thì một số lượng đủ nhiều các nhiệm vụ ở nhiều tình huống khác nhau là cần thiết. Bên cạnh đó các phản hồi của huấn luyện viên trong giai đoạn này cũng nên tập trung xoay quanh ảnh hưởng của quyết định của người học lên mục tiêu công việc.

Tinh thông

Ở cấp độ tinh thông, người học hoạt động hoàn toàn bằng trực giác. Họ biết mục tiêu của họ nên là gì, phải làm gì với mục tiêu đó và nếu làm thế thì điều gì sẽ xảy ra. Xúc cảm của họ tham gia vào và ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình ra quyết định và do đó họ có thể gặp khó khăn trong việc giải thích lý do tại sao họ làm như thế với những người không cùng cấp độ.

Chẳng hạn, người học ở cấp độ tinh thông có thể thiết kế hướng đối tượng một cách tự nhiên mà không nói rõ tại sao cách phân tách interface, abstract class, sub class như vậy là những quyết định tốt nhất.

Về khả năng gợi nhớ, họ biết điều gì quan trọng và điều gì không, có thể xác định được ngay các thành phần liên quan đến kỹ năng (lớp, interface, các class member, các thành phần public…) hay các yếu tố liên quan đến tình huống (requirement). Về nhận thức, họ biết điều gì quan trọng và điều gì không, chẳng hạn bỏ qua các triển khai chi tiết của hàm khi thực hiện công việc thiết kế. Về ra quyết định, họ biết nên làm gì (mục tiêu) bằng trực giác. Và cuối cùng, về tâm thức, bởi toàn bộ quá trình thực hành đều dựa trên trực quan, người tinh thông tham gia vào quá trình bằng sự đầu tư về mặt cảm xúc và trực giác thay vì suy luận lý tính.

Để đạt được cấp độ tinh thông, một lần nữa, những trải nghiệm thực hành có chủ ý là cần thiết. Người học sẽ phát triển bằng những trải nghiệm thực hành trên nhiều tình huống và ngữ cảnh, cho đến khi có được khả năng thực hành một cách trực giác.


https://xray-delta.com/2011/10/12/dreyfus-model-a-richer-understanding-of-competency-building/
https://www.nateliason.com/blog/become-expert-dreyfus

Loading

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *