Mô hình Gagne về tạo điều kiện cho việc học

Robert Gagné được coi là nhà nghiên cứu tiên phong và là người đưa ra tiếp cận một cách hệ thống về thiết kế giảng dạy (instructional design) và đào tạo. Mô hình 9 sự kiện giảng dạy là một phần trong hệ thống mô hình tiến trình học tập của ông. Xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách The Conditions of Learning (1965), nó dựa theo một mô hình về các sự kiện diễn ra khi người trưởng thành xử lý các thông tin để tạo lập một bộ khung sự kiện cho việc giảng dạy. Đây là một công cụ quan trọng và hữu ích cho các giảng viên để kiến tạo các bài giảng hiệu quả.

Tiến trình học tập

Gagne đề xuất chia tiến trình học tập làm 8 bước, dựa theo độ phức tạp của quá trình tư duy. Thứ tự học tập cao hơn được xây dựng dựa trên các cấp độ thấp hơn, đòi hỏi lượng kiến thức trước đó phải nhiều hơn để có thể nâng cấp. Bốn bậc thấp hơn tập trung vào các khía cạnh hành vi của việc học, trong khi đó bốn bậc cao hơn tập trung vào các khía cạnh nhận thức:

  1. Nhận biết kích thích
  2. Tạo lập phản hồi
  3. Tuân theo quy trình
  4. Sử dụng thuật ngữ
  5. Phân biệt
  6. Chuẩn hóa khái niệm
  7. Áp dụng quy tắc
  8. Giải quyết vấn đề

Hệ thống này có thể được dùng để xác định xem điều kiện tiên quyết nào cần được hoàn thành để tạo điều kiện cho việc học của người học, và tiếp theo đó sắp xếp thứ tự của những hướng dẫn học tập.

Các điều kiện cho việc học tập

Theo Gagne, có nhiều loại hình học tập khác nhau và mỗi loại sẽ yêu cầu những loại hình hướng dẫn khác nhau. Ông xác định 5 loại hình học tập chính bao gồm:

  • Thông tin bằng lời nói
  • Kỹ năng trí tuệ
  • Chiến lược nhận thức
  • Kỹ năng vận động
  • Thái độ

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn được tổ chức thành hai loại hình tạo điệu kiện cho việc học là bên trong và bên ngoài. Tạo điều kiện bên trong có nghĩa là đối phó với những năng lực mà người học đã biết trước đó. Tạo điều kiện bên ngoài nghĩa là quan tâm đến những kích thích (hiểu theo nghĩa của tâm lý học hành vi) được trình bày ra trước người học. Mỗi loại hình học tập khác nhau sẽ yêu cầu các loại hình tạo điều kiện bên trong và bên ngoài khác nhau. Ví dụ với loại hình học tập chiến lược nhận thức, người học cần có cơ hội thực hành phát triển các giải pháp mới cho các vấn đề; hay để học hỏi về thái độ thì người học cần được tiếp xúc với một hình mẫu đáng tin cậy hay một lập luận thuyết phục.

Các thành phần cơ bản của việc hướng dẫn

Các thành phần cơ bản nhất trong mô hình về việc hướng dẫn học tập của Gagné tập trung vào ba yếu tố chính:

  • Trình bày kiến ​​thức hoặc thể hiện kỹ năng
  • Cung cấp thực hành với phản hồi
  • Cung cấp hướng dẫn cho người học

Các yếu tố này phải được thiết kế theo nhiều cách khác nhau tùy theo loại cấp độ học tập (mục tiêu học tập) cần đạt được. Đối với Gagné, thiết kế giảng dạy có nghĩa là trước tiên xác định mục tiêu (kết quả học tập) và sau đó xây dựng hệ thống phân cấp học tập. Điều này có nghĩa là dựa theo hệ thống phân cấp của tiến trình học tập để thực hiện phân tích nhằm tạo lập được một hệ tập các hoạt động hướng dẫn mà có thể đo lường được khả năng phục vụ mục tiêu học tập.

Gagne gợi ý chín bước lập kế hoạch cho việc hướng dẫn nhằm thực hiện quá trình thiết kế trên:

  1. Xác định các loại kết quả học tập, kèm theo những kiến ​​thức hoặc kỹ năng tiên quyết mà người học cần phải có trước đó.
  2. Xác định các điều kiện hoặc quá trình bên trong mà người học phải trải qua để đạt được các kết quả.
  3. Xác định các điều kiện bên ngoài hoặc hướng dẫn cần thiết mà người học cần được cung cấp để đạt được các kết quả.
  4. Xác định bối cảnh của việc học tập.
  5. Xác định các đặc điểm của người học.
  6. Chọn ra các phương tiện/công cụ để thực hiện hướng dẫn.
  7. Lập kế hoạch tạo động lực cho người học.
  8. Đánh giá hướng dẫn thông qua những đánh giá hình thức từ phía người học.
  9. Sau khi hướng dẫn đã được sử dụng, sử dụng đánh giá tổng hợp để đánh giá độ hiệu quả của hướng dẫn.

Chín sự kiện hướng dẫn học tập

Gagne đề xuất 9 bước trong hoạt động hướng dẫn học tập, theo thứ tự như sau:

  1. Thu hút sự chú ý (tiếp nhận)
    • Ví dụ: trình bày một vấn đề hay, một tình huống mới, xem một video, đặt một câu hỏi.
    • Điều này giúp tạo nền tảng cho bài học và tạo động lực
  2. Thông báo cho người học về mục tiêu (kỳ vọng)
    • Ví dụ: nêu những gì học sinh sẽ có thể hoàn thành và cách chúng có thể được áp dụng, đưa ra một minh chứng nếu có thể.
    • Cho phép học sinh đóng khung thông tin, từ đó xử lý thông tin đó tốt hơn.
  3. Kích thích nhớ lại quá trình học trước đây (hồi tưởng)
    • Ví dụ: nhắc nhở học sinh về những kiến ​​thức trước đây có liên quan đến bài học hiện tại (sự kiện, quy tắc, quy trình hoặc kỹ năng). Cho biết kiến ​​thức được kết nối như thế nào với bài học hiện tại. Có thể sử dụng các bài kiểm tra.
    • Làm dậy nên cho ngươi học một bộ khung để dựa vào đó học và nhớ
  4. Trình bày nội dung bài học (tri giác có chọn lọc)
    • Ví dụ: văn bản, đồ họa, mô phỏng, số liệu, hình ảnh, âm thanh, v.v.
    • Tạo khối thông tin (lưu ý tránh quá tải bộ nhớ).
  5. Cung cấp hướng dẫn học tập (mã hóa ngữ nghĩa)
    • Ví dụ: trình bày một nội dung hướng dẫn học tập khác, dưới một hình thức khác
  6. Kích thích hiệu suất (phản hồi)
    • Ví dụ: để người học làm điều gì đó với hành vi mới thu nhận được, thực hành kỹ năng hoặc áp dụng kiến ​​thức. Chẳng hạn (tối thiểu)  như cho làm các câu hỏi nhiều lựa chọn.
  7. Cung cấp phản hồi (củng cố)
    • Chỉ ra tính đúng đắn trong phản ứng của học viên, phân tích hành vi của học viên, có thể trình bày một giải pháp tốt (từng bước) cho vấn đề
  8. Đánh giá hiệu suất (truy xuất)
    • Nếu bài học đã được học thì thực hiện đánh giá học lực của người học. Đôi khi cung cấp thông tin tiến độ chung.
  9. Tăng cường lưu giữ và chuyển giao (tổng quát hóa)
    • Ví dụ: thông báo cho người học về các tình huống có vấn đề tương tự, cung cấp thực hành bổ sung. Đặt người học vào một tình huống tương tự. Có thể để người học xem lại bài.

Đánh giá hướng dẫn

Vì mục đích của việc giảng dạy là học tập, trọng tâm trung tâm để tạo ra các kỹ thuật giảng dạy một cách hợp lý là người học. Vậy nên hiệu quả của một bài hướng dẫn học tập được đánh giá dựa trên kết quả hoạt đọng của người học. Các biện pháp đánh giá được thiết lập dựa trên loại năng lực mục tiêu của người học mà bài hướng dẫn hướng đến trong kế hoạch, dựa theo những câu hỏi dẫn dắt sau đây, với mục đích là cung cấp dữ liệu về tính khả thi và hiệu quả để phát triển và cải tiến hướng dẫn:

  • Các mục tiêu đã được đáp ứng chưa?
  • Hướng dẫn mới có tốt hơn hướng dẫn trước không?
  • Hướng dẫn mới bao gồm những hiệu ứng bổ sung nào

Loading

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *